[ad_1]
Ngày 2-12, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức hội thảo khoa học “Cơ chế, chính sách cho vấn đề nhà ở xã hội trên địa bàn TP HCM theo quan điểm liên kết vùng”.
Các chuyên gia cho rằng TP HCM cần tận dụng quỹ đất dọc tuyến Vành đai 3 để phát triển nhà ở xã hội.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS.KTS Trần Văn Khải cho rằng việc điều tiết thị trường nhà ở xã hội chủ yếu thực hiện thông qua các doanh nghiệp chỉ với các cơ chế hỗ trợ thì sẽ khó có nhà ở giá thấp (giá dưới 1 tỉ đồng/căn).
Vì vậy, nhà nước cần tập trung vốn ngân sách, dù còn ít, đầu tư vào nhà ở cho thuê giá thấp dành cho những người được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định. Dần dần có được một khối lượng lớn nhà ở trong tay, nhà nước sẽ có lợi thế chủ đạo điều tiết được thị trường địa ốc.
PGS.TS.KTS Trần Văn Khải cho rằng với tình hình hiện nay thì rất khó có nhà ở dưới 1 tỉ đồng/căn.
Ông Trần Văn Khải cho rằng TP HCM có thể tận dụng nguồn lực sinh ra từ 2 dự án Vành đai 3, Vành đai 4 để phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, thành phố liên kết với các tỉnh lân cận xây dựng nhà ở xã hội với hệ thống giao thông giúp người dân tiếp cận khu trung tâm đô thị hay nhà máy, nơi làm việc, dịch vụ thiết yếu với giá thích hợp, chất lượng môi trường sống đảm bảo.
Ths Nguyễn Anh Đào (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM) cho hay TP HCM liên tục kêu gọi, ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội, tuy nhiên một thực tế là không mấy doanh nghiệp quan tâm đối với phân khúc này.
Ths Nguyễn Anh Đào cho rằng thời gian qua TP HCM thiếu hụt nhà ở bình dân.
Giai đoạn 2018-2020 thị trường gặp khó khăn do quy mô thị trường bất động sản bị sụt giảm, thiếu dự án và rất thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là nhà có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Đặc biệt là từ năm 2020, sự thiếu hụt căn hộ bình dân tiếp tục kéo dài khi chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở đưa ra thị trường. Đến năm 2021, trong tổng số 14.443 căn nhà đã không còn căn hộ bình dân. Có đến 10.404 căn nhà cao cấp, hạng sang, siêu sang chiếm khoảng 74%, nhà ở trung cấp, chiếm 26% tại thị trường TP HCM.
Nhóm nghiên cứu của Ths Nguyễn Anh Đào dự báo số căn hộ dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2025-2030 là hơn 23.000 căn và tổng số nhà ở xã hội đến 2030 là 58.000 căn.
Theo Ths Nguyễn Anh Đào, dự án Vành đai 3, Vành đai 4 kết nối TP HCM với các tỉnh miền Đông và miền Tây sẽ thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội phát triển ở các tỉnh trong vùng. Khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh và thành phố sẽ được thu hẹp.
Bên cạnh đó, nhà ở xã hội xây dựng ở các tỉnh lân cận sẽ được bán ra với giá cả thấp hơn so với thành phố. “Đây là cơ hội để hiện thực hóa sở hữu nhà ở xã hội của người dân và cũng là điều kiện để giảm bớt áp lực cho vấn đề nhà ở xã hội tại thành phố” – Ths Nguyễn Anh Đào nói.
Theo TS Dư Phước Tân, khai thác quỹ đất dọc tuyến Vành đai 3 để phát triển nhà ở xã hội là một vấn đề nan giải cần bàn thảo tìm chính sách phù hợp.
TS Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM) cũng đồng quan điểm tận dụng quỹ đất xung quanh Vành đai 3 (dự kiến khai thác năm 2026). Theo ông, riêng trên địa bàn thành phố có 500 ha đất nhà nước quản lý cùng 1.900 ha đất trong dân.
“Nhà nước có tầm nhìn từ bây giờ và quyết tâm cho nhà ở xã hội thì nên có chiến lược thu hồi và dành đất cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên, khi hoàn thành Vành đai 3 thì giá đất cũng tăng lên nên việc thu hồi đất cũng rất nan giải. Nếu liên kết được nhà đầu tư với quỹ đất thì tiềm năng phát triển xã hội lớn, vấn đề quan trọng là khai thác như thế nào?”- TS Dư Phước Tân đặt vấn đề.
TS Phạm Trần Hải cho hay nếu không phát triển giao thông đường sắt thì khó tận dụng, khai thác tiềm năng quỹ đất dọc Vành đai 3.
Bổ sung thêm, TS.KTS Phạm Trần Hải (Viện Nghiên cứu phát triển TP) cho rằng nếu muốn khai thác quỹ đất 2 bên đường Vành đai thì cần làm tốt giao thông kết nối, đặc biệt là phương tiện vận chuyển lớn như hệ thống đường sắt, xe buýt nhanh BRT và đây là cơ sở để phát triển mô hình TOD (phát triển đô thị với giao thông công cộng). “Nếu chỉ phát triển giao thông đường bộ mà không có đường sắt thì rất khó khai thác quỹ đất dọc Vành đai 3” – TS Phạm Trần Hải nói.
[ad_2]
Source link