Ngăn chặn nạn đầu cơ
Trong thời gian vừa qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế trong đó có thị trường bất động sản.
Sau khi có quy định về nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể, lượng giao dịch, giá bất động sản tại nhiều nơi đang có xu hướng “sốt nóng” trở lại.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, sau khi có quy định về nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể, lượng giao dịch, giá bất động sản có xu hướng tăng cao.
Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp cao bất thường có thể tạo tác động tiêu cực đối với thị trường nhà ở, bất động sản.
Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tổng hợp thông tin, đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra “bong bóng” hoặc các diễn biến bất thường khác, dự báo tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới tại địa phương.
Đồng thời tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông… gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân.
Ngoài ra phải xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có). Đặc biệt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, các địa phương, đánh giá cụ thể tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, đặc biệt là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường. Nếu có tác động tiêu cực, các cơ quan này cần đề xuất các giải pháp để hạn chế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao rà soát các nhà băng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất và xử lý nghiêm nếu vi phạm. Đặc biệt, Bộ Công an được giao chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng có quyết định giao Bộ Tài chính yêu cầu nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.
Bổ sung thuế ngăn chặn đầu cơ
Liên quan đến vấn đề về thuế bất động sản, trước đó Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất đánh thuế rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư “lướt sóng”.
Ngoài ra, HoREA cũng nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính cần thiết xem xét ban hành thuế bất động sản đánh trên giá trị nhà và đất. Bởi hiện nay người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở mà mới chỉ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở, với thuế suất đối với đất ở trong hạn mức 0,03% bảng giá đất, nên mức nộp thuế gần như không đáng kể.
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bất động sản thì việc nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thuế liên quan là cần thiết. Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các luật thuế liên quan đến bất động sản để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp gắn với việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 – 2030.
Theo luật sư Nguyễn Văn Nhật (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), để đưa ra được mức thuế suất cụ thể cho trường hợp đầu cơ bất động sản không hề dễ dàng. Nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và còn phải được nắm bắt một cách chính xác.
Tuy nhiên, vị luật sư này, về định hướng thì chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới về việc đánh thuế này. Chẳng hạn như việc áp dụng mức thuế đất, thuế giao dịch đất đai cao trong những trường hợp nhận quyền sử dụng đất sau đó lại tiếp tục chuyển nhượng trong khoảng thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, có thể xem xét xây dựng hệ thống biểu phí, thuế lũy tiến đối với việc sở hữu bất động sản thứ hai trở đi và lũy tiến theo diện tích sử dụng, giá trị bất động sản, hoặc mục đích sử dụng.
Ngoài việc cải thiện chính sách về thuế liên quan bất động sản, mới đây, Bộ Tài chính cũng vừa có công văn về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Theo đó, Bộ này đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý chặt chẽ thuế đối với các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân, doanh nghiệp; yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan nhà nước liên quan hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản , doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.
“Các trường hợp chuyển nhượng bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật…”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.