Gần 5 năm đi xuất khẩu lao động số tiền kiếm được không bằng tiền lời lô đất

Khác với những người bạn đồng trang lứa, sau khi học hết trung học phổ thông, anh Quốc Khánh (quê tại Phổ Yên, Thái Nguyên) không tiếp tục theo học đại học, anh đã lựa chọn đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Khi đó, anh chỉ nghĩ Nhật Bản sẽ giúp anh có mức thu nhập tốt, làm vai năm khi quay về Việt Nam sẽ có vốn để làm ăn.

Nhớ lại ngày ấy, anh Khánh kể: “Năm 2013, khi tốt nghiệp cấp 3 xong. Các bạn bè của tôi đa phần đều lựa chọn học tiếp đại học. Khi đó, phong trào đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản nở rộ. Tôi suy nghĩ rằng đi xuất khẩu vài năm, sau về nước có ít vốn để làm ăn. Mà thời điểm đó, tôi thấy ai đi cũng khoe lương 40 – 50 triệu đồng, ở Việt Nam sao có thể kiếm được”.

Vốn sinh ra trong gia đình không khá giả, nên anh Khánh nghĩ xuất khẩu lao động sẽ giúp anh đổi đời và xây lại nhà cửa được cho bố mẹ. Tuy nhiên, mức lương 40 – 50 triệu đồng chỉ là qua những lời kể của người khác còn thực tế không đến với anh.

“Tôi phải ở Hà Nội học tiếng Nhật 1 năm rồi thi. Nguyên số tiền để tôi có thể sang Nhật Bản làm việc tổng đã mất khoảng hơn 250 triệu đồng. Trong đó, gia đình chỉ có một ít còn lại bố mẹ tôi phải đi vay lãi. Cứ nghĩ sang đó làm nửa năm là tôi hoàn được tiền vốn. Nhưng sự thật không như vậy, số tiền đó cũng chỉ là người khác kể lại. Còn với tôi, tôi làm việc ở công trường xây dựng vất vả lắm nhưng cũng không được như kỳ vọng khi đã đánh đổi xa quê”, anh Khánh than thở.

Theo anh Khánh, mỗi tháng nếu làm đủ 26 ngày công, tiền lương anh nhận được khoảng 30 triệu đồng, trong đó đã được công ty bao chỗ ở. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn phải lo tiền ăn, tiền điện và các chi phí sinh hoạt mua sắm khác.

“Chi phí ăn uống, sinh hoạt bên Nhật không giống ở Việt Nam. Mỗi tháng chi tiết kiệm khi trừ tất cả đi tôi có thể gửi về nhà được khoảng 20 triệu đồng. Số tiền này bố mẹ tôi lại dồn để trả nợ tiền vay cho tôi đi. Trong 1 năm đầu, tôi mới trả hết số nợ đó”, anh Khánh nói.

Đến năm 2017, khi đã ở Nhật được 3 năm, công việc hàng ngày vẫn vất vả như vậy khiến anh cảm thấy chán nản, vỡ mộng. Trong một lần tâm sự cùng một người anh cùng xóm, anh Khánh được khuyên vốn mỏng thì nên dồn tiền mua đất ở quê, đến khi anh về Việt Nam, kiểu gì cũng có lãi.

“Trong lúc mệt mỏi tôi tâm sự cùng anh trong xóm, khi ấy anh đang làm môi giới bất động sản và khuyên tôi nên dồn tiền để đầu tư một mảnh đất ở quê, vì trong thời gian đó giá đất đang có sự chuyển biến. Anh còn khẳng định chắc chắn sẽ có lãi nên tôi nghe theo”, anh Khánh kể.

Thời điểm đó, với số tiền tiết kiệm khoảng gần 500 triệu đồng tiết kiệm, anh Khánh đã mua mảnh đất rộng 150m2, với giá 5 triệu đồng/m2, tổng 750 triệu đồng.

“Chỉ đến lúc chuẩn bị bán mảnh đất đó tôi mới được tận mắt nhìn trực tiếp. Lúc mua bố mẹ tôi là người đi xem rồi chụp ảnh lại gửi cho tôi. Sau đó tôi tham khảo thêm ý kiến của người anh cùng xóm. Dù biết mua biết kiểu này quá mông lung nhưng tôi cũng liều mua. Số tiền còn thiếu là tôi nhờ bố mẹ vay giúp”, anh Khánh cười nói.

Gần 5 năm đi xuất khẩu lao động số tiền kiếm được không bằng tiền lời lô đất - Ảnh 1.

Đến cuối năm 2019, hết thời hạn lao động anh Khánh trở về Việt Nam, khi đó mảnh đất của anh đã có lãi nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm hiểu, tham khảo thị trường nhận thấy giá đất vẫn có thể tăng nên khi đó anh vẫn chưa bán.

“Tôi thấy, hạ tầng vẫn được đầu tư nhiều, hơn nữa giá đất tại Phổ Yên có nhiều biến động nên tôi vẫn giữ lại”, anh Khánh quả quyết.

Đến cuối năm 2020, mảnh đất của anh Khánh được giá nên anh đã bán với mức giá 13 triệu đồng/m2, tổng gần 2 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với thời điểm anh xuống tiền.

Anh Khánh nhẩm tính: “5 năm đi Nhật, trung bình mỗi tháng bỏ ra được 20 triệu đồng, tổng tôi có thể kiếm được khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ đi 250 triệu đồng tiền chi phí ban đầu, vậy tôi còn khoảng 950 triệu đồng. Nếu so sánh từ thời điểm mua đất đến lúc bán là đã gần gấp 3 lần tôi kiếm được trong thời gian đó rồi”.

Sau khi nhận được số tiền, anh Khánh tiếp tục tìm thêm những mảnh đất có tiềm năng để đầu tư. Anh cắt một phần lại để sửa sang nhà cửa cho bố mẹ.

Anh Khánh tiết lộ, hiện mảnh đất anh mua từ cuối năm 2020 hiện nay đã có lãi. “Đúng thật, người ta vẫn nói làm cả đời không bằng tiền lời lô đất. Bây giờ tôi mới thấy tin điều vào điều đó”, anh Khánh nói.



Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *