Sáng 4/4, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì Hội thảo khoa học về Đề án “ Xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 – 2030”.
Xây dựng nền công vụ phải gắn với mô hình chính quyền đô thị
TS Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98 của Quốc hội, cho rằng cốt lõi của nền công vụ là Nhà nước kiến tạo, nền công vụ phục vụ.
Theo TS Trần Du Lịch, TPHCM phải đề nghị Trung ương hỗ trợ trong quá trình xây dựng nền công vụ. Thành phố không thể tự mình thay đổi tính chất công vụ nếu không có chỉ đạo thống nhất từ Trung ương và đề nghị mở rộng phân cấp, phân quyền cho thành phố trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước, được đề cập trong Nghị quyết 98.
“Nền công vụ cần hạn chế công vụ xin – cho bởi đây là cơ chế khổ nhất hiện nay trong bộ máy”, ông Lịch nói và nhấn mạnh việc xây dựng nền công vụ thành phố phải gắn với mô hình chính quyền đô thị, hướng tới một chính quyền đô thị mà bên dưới có nhiều thành phố đô thị trực thuộc.
TS Bùi Ngọc Hiền – giảng viên Học viện Cán bộ TPHCM, cho rằng, về lâu dài cần đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có thể bổ sung thêm các luật mới, chẳng hạn là luật đô thị TPHCM.
Theo ông Hiền, nếu có luật này, dù không thể giải quyết tất cả các vấn đề của thành phố hay giải quyết được những cơ chế xin cho như hiện nay nhưng ít nhất luật này sẽ góp phần tạo lập cơ chế nội sinh để TPHCM có thể chủ động trong xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm quản lý, tổ chức phát triển TPHCM một cách kịp thời, hiệu quả hơn.
“Chứ nếu chúng ta cứ thí điểm, 5 năm, 10 năm nữa thì cũng có thể vẫn theo vòng luẩn quẩn và sẽ lỡ nhịp đi nhiều trong cơ hội phát triển”, TS Hiền nhìn nhận.
Chủ tịch UBND quận 5 Trương Minh Kiều nhìn nhận, hiện nay chúng ta thực hiện rất nhiều thay đổi về bộ máy, biên chế nhằm hướng tới nền công vụ nhưng vô hình trung tạo áp lực khá lớn với những công chức ở cơ sở khi số lượng công việc có thể tăng gấp 2, 3 lần thời gian trước.
Bà Trương Minh Kiều cho rằng, tất cả các áp lực cộng lại trong thời điểm chuyển đổi số làm cho đầu việc của cán bộ, công chức tăng lên và áp lực ấy còn gánh thêm nỗi băn khoăn về động lực làm việc trong thời gian trước đây.
Trao đổi thêm về vấn đề rủi ro pháp lý, Chủ tịch UBND quận 5 cho rằng ở cấp độ thành phố có một mức độ rủi ro khác, còn những cán bộ ở cơ sở, địa phương cũng có độ rủi ro nhất định trong thực hiện nhiệm vụ.
“Do đó, trong quá trình thành phố xây dựng nền công vụ tiến tới hiệu lực hiệu quả , tôi mong thành phố sẽ được chủ động về lương và biên chế, tiến tới tinh giản được số lượng biên chế. Trong giai đoạn xây dựng đề án thì làm sao để TPHCM chủ động được lúc nào giảm và giảm khi công vụ đã hoàn thiện rồi chứ không phải theo lộ trình hằng năm giảm”, bà Kiều nêu ý kiến.
Nghiên cứu khoán quỹ lương để tạo động lực
Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Ban soạn thảo, Tổ giúp việc đề án tiếp thu, lựa chọn các ý kiến phù hợp để đưa vào đề án, khẩn trương hoàn thiện đề án.
Ông yêu cầu trong tháng 4 này, Ban soạn thảo, Tổ giúp việc làm việc hằng ngày, đọc lại hết các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án, tổ chức các cuộc trao đổi song phương, các hội thảo mini để làm rõ hơn các vấn đề và trong quá trình này cần đề xuất một nhóm chuyên gia , cố vấn. Chậm nhất ngày 5/4, Tổ giúp việc đề xuất một số nội dung cần nghiên cứu chuyên sâu để có hội thảo mini hoặc đặt hàng tổ chức hoặc chuyên gia.
“Chẳng hạn, với việc làm thế nào để tạo động lực thì chúng ta có những case study để nghiên cứu về khoán quỹ lương, tức là bao gồm cả khoán biên chế, khoán quỹ lương và các cơ chế chi lương để tạo động lực từ lương”, ông Phan Văn Mãi đặt vấn đề.
Ngoài ra, có thể nghiên cứu một quy trình hành chính để từ đây hiện đại hóa nền hành chính và phân định rõ ràng trách nhiệm công chức cấp xã.
Đây đều là những vấn đề cần nghiên cứu sâu và cần giao cho một tổ chức hoặc nhờ một nhóm chuyên gia nào đó phụ trách nghiên cứu sâu.
Song song đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng đề nghị các sở, ngành, quận, huyện ngay từ bây giờ góp ý vào sản phẩm có đến hiện nay.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng cho rằng cần xem đề án Nền công vụ thành phố hiệu lực, hiệu quả là một nội dung đột phá không chỉ của thành phố mà còn của quốc gia, cần báo cáo xin chủ trương của Trung ương. Dự kiến, trong tháng 5 tới sẽ thông qua trở lại Thường vụ Thành ủy và sau đó báo cáo với Trung ương.
“Ngay sau hội thảo, thành phố cũng xác định một số bộ, ngành, một số nội dung để mời sự tham gia trực tiếp”, ông Mãi thông tin và cho biết trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong thứ 2 tới thành phố sẽ báo cáo, xin chủ trương.
Source link