“Việc Marriott International đầu tư thương hiệu này tại châu Á, trong đó có Việt Nam, cho thấy tầm quan trọng của thị trường Việt Nam trong chiến lược phát triển của chúng tôi”, ông Anthony Capuano – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Marriott International – chia sẻ với chúng tôi.
Tính thêm 15 khách sạn và khu nghỉ dưỡng trước đó ký kết hợp tác quản lý với Vinpearl, trong đó có 3 khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã đổi tên thành Mariott, số khách sạn và resort do Mariott quản lý và điều hành ở Việt Nam trong tương lai tăng lên 50.
Ông đã có buổi gặp với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính. Ông có thể chia sẻ thêm về cuộc gặp này được không?
Đó là cuộc gặp rất thú vị. Ngài Thủ tướng rất quan tâm và tỏ ra hiểu biết rất nhiều về tập đoàn của chúng tôi. Ngài cũng quan tâm tới kế hoạch tăng trưởng của chúng tôi, đặc biệt trong mảng du lịch cũng như khách sạn và nghỉ dưỡng. Ngài có lời mời hy vọng cứ mỗi năm chúng tôi lại tới Việt Nam một lần. Chúng tôi cũng rất mong chờ điều đó bởi vì trong tương lai, Mariott International sẽ còn có những cơ sở khác chuẩn bị khai trương tại Việt Nam.
Hiện Tập đoàn quản lý 20 khách sạn và resort tại Việt Nam trong tổng số 8.600 khách sạn và resort trên quy mô toàn cầu. Đây là con số khá nhỏ. Tuy nhiên, nếu nhìn về tốc độ tăng trưởng về số lượng khu nghỉ dưỡng do Marriott đầu tư quản lý tại Việt Nam từ đầu năm 2022 đến nay, thì con số này tăng gấp đôi. Mới đây, chúng tôi ký kết thêm 3 dự án mới và đang trong lộ trình nâng tổng số khách sạn và resort mới do Marriott quản lý tại Việt Nam lên con số 50.
Trong công bố ký kết triển khai 3 dự án mới với Sun Group và Bitexco mới đây, lần đầu tiên xuất hiện 2 thương hiệu luxury là Ritz-Carlton Reserve và The Luxury Collection tại Việt Nam…
Với thương hiệu The Luxury Collection trong khu vực châu Á (ngoài Trung Quốc), chúng tôi có hơn 30 điểm tại nhiều quốc gia. Nhưng riêng thương hiệu Ritz-Carlton Reserve, trên toàn thế giới chỉ có chưa đến 10 khách sạn.
Tại châu Á, Ritz-Carlton Reserve đã hiện diện ở Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam là quốc gia thứ 5, Marriott International đầu tư thương hiệu này tại châu Á, trong đó có Việt Nam, điều này đã cho thấy tầm quan trọng của thị trường Việt Nam trong chiến lược phát triển của chúng tôi.
Thị trường du lịch Việt Nam thường bị so sánh với Thái Lan. Từ quan điểm của Mariott International, ông nhìn nhận thị trường du lịch Việt Nam như thế nào so với các đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Singapore?
Tôi nói từ chính trải nghiệm của mình nhé! Tôi vừa thăm 3 tỉnh/thành khác nhau ở Việt Nam, và tôi vẫn thấy chưa “đã”. Một điều tôi thấy rất hấp dẫn ở Việt Nam là nước các bạn có rất nhiều điểm đang phát triển và mới nổi. Việt Nam là nơi du khách có thể thăm đi thăm lại nhiều lần, bởi mỗi lần trở lại, họ sẽ cảm nhận được những trải nghiệm độc đáo riêng biệt.
Họ có thể trải nghiệm núi, thăm thú biển, có thể trải nghiệm nhiều loại ẩm thực khác nhau, văn hóa khác nhau với những điểm đến khác nhau tại Việt Nam.
Một điều tôi muốn lưu ý là chính sách visa hay số chuyến bay, trải nghiệm sân bay cũng là yếu tố quyết định khi du khách lên kế hoạch cho điểm đến du lịch. Đó là cách chúng tôi nhìn vào khi so sánh tính hấp dẫn giữa các quốc gia hay các điểm đến. Chính sách càng thông thoáng với khách du lịch, thì chúng ta sẽ thu hút được càng nhiều khách du lịch đến với Việt Nam.
Với phân khúc luxury thì sao? Đâu là đối tượng khách hàng Mariott International hướng tới? Người Việt chúng tôi liệu có phải khách hàng mục tiêu của phân khúc luxury này không khi mà thu nhập bình quân người Việt vẫn đang ở mức thấp?
Lấy ví dụ từ 190 triệu thành viên thân thiết của Mariott International, các thành viên trong nền tảng của chúng tôi rất quan tâm tới việc du lịch xuyên biên giới, đi thăm thú tại những địa điểm mới để có thể tận hưởng được trải nghiệm hạng sang. Họ là những nhóm khách hàng mà khẩu vị du lịch cũng lòng ham muốn, ưa thích… không bao giờ cảm giác được thỏa mãn trong việc tìm kiếm những khung cảnh mới và trải nghiệm mới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng như nhiều nước khu vực châu Á có sự nổi lên của giai cấp trung lưu. Giai cấp trung lưu này cũng muốn hưởng thụ những sản phẩm mới thuộc 2 phân khúc hạng sang (luxury) và cao cấp (premium). Vì vậy, chúng tôi thấy có nhu cầu mạnh mẽ ngay trong nội bộ Việt Nam cũng như trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi cho rằng phân khúc luxury có thể thỏa mãn khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài. Việt Nam có 100 triệu dân với mức tăng GDP hàng năm rất ấn tượng.
Lãnh đạo Mariott từng cho rằng nên mở rộng “bản đồ” du lịch Việt Nam ra các địa phương mới như Cam Ranh, Cần Thơ và các khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long ở khu vực Nam Bộ và các vùng núi phía Bắc như Lạng Sơn. Tại một tỉnh gần Hà Nội là Bắc Ninh, Mariott cũng sẽ xây 1 khách sạn 5 sao. Mariott thấy tiềm năng gì tại các địa phương này? Và tệp khách hàng nào các ông sẽ hướng tới ở “bản đồ” du lịch mới?
Khách hàng mục tiêu của chúng tôi là khách du lịch trong nước – thuộc tầng lớp trung lưu mới nổi, tầng lớp thượng lưu – và khách du lịch nước ngoài. Có thể nói trong năm nay, nguồn thu chính và các khách du lịch then chốt của chúng tôi tại Việt Nam đến từ thị trường nội địa. Khách du lịch quốc tế chưa phục hồi nhiều.
Những thành phố top 1 như Hà Nội và TPHCM là nơi khách du lịch quốc tế hay tới, nhưng phần lớn khách du lịch trong nước sẽ tới các thành phố top 2 hoặc top 3.
Chúng tôi cũng thấy xu hướng này tại các thị trường khác như Ấn Độ hoặc Thái Lan. Chúng tôi cũng tổ chức các tour cho các khách từ Ấn Độ tới trải nghiệm Việt Nam, hoặc những người đi chán chê ở những nước như Thái Lan và họ muốn có trải nghiệm mới.
Chúng tôi kỳ vọng du lịch nội khối khu vực Châu Á sẽ tăng trưởng mạnh. Khách Việt Nam hiện cũng qua Nhật Bản, Hàn Quốc, và khách Hàn cũng tới Việt Nam.
Mỗi dự án bất động sản, đặc biệt bất động sản nghỉ dưỡng đều có ảnh hưởng nhất định tới môi trường và sinh kế của người dân địa phương. Mariott cân bằng thế nào giữa chuyện kinh doanh và hỗ trợ cộng đồng bản địa?
Tại Marriott, triết lý kinh doanh chính “Đặt con người lên hàng đầu” là tôn chỉ được trải dài suốt 96 năm hoạt động. Chúng tôi cam kết tạo cơ hội nghề nghiệp cho người dân Việt Nam. Cho đến nay, Marriott đã thuê khoảng 7.000 nhân viên làm việc trong hệ thống của Marriott tại Việt Nam.
Với các dự án đi vào hoạt động trong tương lai, dự kiến sẽ mở thêm 15.000 cơ hội việc làm nữa cho các công dân Việt Nam. Marriott vừa bổ nhiệm một tổng giám đốc người Việt Nam đầu tiên. Triết lý của chúng tôi là ngoài tạo công ăn việc làm thì cần tạo ra sự thăng tiến nghề nghiệp bền vững cho các thành viên bản địa.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cam kết tạo ra tác động tích cực và bền vững cho cả con người và trái đất. Chúng tôi lập ra các Hội đồng kinh doanh tại địa phương hiện hữu khách sạn của Marriott, với mục đích thúc đẩy hỗ trợ cộng đồng. Cam kết Net Zero (phát thải bằng 0) là ưu tiên hàng đầu thúc đẩy các nỗ lực phát triển bền vững của chúng tôi.
Hiện 100% khách sạn của Marriott đã sử dụng sản phẩm phòng tắm thân thiện, giảm đáng kể việc sử dụng chai nước bằng nhựa trong phòng. Ngoài ra, 63% khách sạn của chúng tôi đang tích cực tham gia tái chế dầu ăn đã qua sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học và luôn tìm kiếm nguồn cung cấp thực phẩm có trách nhiệm, điển hình trứng từ gà nuôi thả.
Theo ông, đâu là điểm yếu của nhân lực ngành du lịch tại Việt Nam? Mariott International giải quyết khâu đào tạo nhân sự thế nào?
Nhân lực ngành du lịch tại Việt Nam vẫn có nhân sự được đào tạo bài bản theo chuyên ngành, nhưng cũng có một số nhân sự cần được trau dồi hơn về kĩ năng ngành. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các hiệp hội ngành khách sạn để thiết lập các chương trình kỹ năng khách sạn.
Trong các đợt chuyển đổi khách sạn gần đây, chúng tôi đã giữ lại đội ngũ nhân sự hiện có trong khách sạn của mình, đặc biệt tập trung vào các đội vận hành và từng bước gia tăng đào tạo và phát triển. Chúng tôi bổ sung các vị trí lãnh đạo chủ chốt để lãnh đạo và hỗ trợ, lãnh đạo nhân viên đi theo đúng tiêu chuẩn dịch vụ của thương hiệu. Trong quá trình trước và sau khi chuyển đổi, chúng tôi đặc biệt chú trọng đầu tư vào các chương trình đào tạo và phát triển, đặc biệt là dịch vụ khách hàng, kỹ năng phục vụ khách hàng và phát triển khả năng lãnh đạo cho các vai trò quản lý.
Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp các cơ hội đào tạo chéo giữa các khách sạn Marriott khác nhau để nâng cao hơn nữa khả năng làm việc của các nhóm nhân sự.
Xin cảm ơn ông!
Source link