Chuyện chưa kể về mạng “thuần Việt” của Việt Nam

Rate this post

Khi ấy, lãnh đạo Ngành và VNPT đều thống nhất thông tin di động sẽ là dịch vụ thiết yếu của mỗi người dân và cả quốc gia, do đó không thể chỉ dựa vào một mạng di động hợp tác với nước ngoài. VNPT với vai trò là doanh nghiệp Bưu chính viễn thông chủ lực của đất nước càng không thể đứng ngoài cuộc.

Thực tế 25 năm đã chứng minh quyết định táo bạo ngày đó hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. VinaPhone đã viết nên những câu chuyện đột phá cho ngành Viễn thông của Việt Nam bấy giờ. Việc lựa chọn cái tên VinaPhone cũng mang theo hoài bão và kỳ vọng, thể hiện rõ quyết tâm về một mạng di động của Việt Nam, do chính người Việt Nam xây dựng và phát triển.

Và để có được câu chuyện “cổ tích” 25 năm với mạng thuần Việt ấy, là hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện nhỏ, có những bỡ ngỡ ban đầu của những kỹ sư trẻ lần đầu tiếp cận, làm chủ công nghệ, mạng lưới, của những tổng đài viên, nhân viên bán hàng vốn xuất thân từ ngành Bưu điện…

Trạm BTS cao trăm mét và “hành quân” ngày Tết

Năm 1996, cậu sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Đinh Văn Hà ra trường, được nhận vào làm việc tại Ban Quản lý dự án các dịch vụ mới toàn quốc GPC. Cùng khoảng 20 kỹ sư trẻ lúc bấy giờ, anh Hà là những người tiên phong học hỏi công nghệ xây dựng, lắp đặt, di chuyển trạm BTS từ đối tác nước ngoài Motorola. “Không như trạm BTS bây giờ rất nhỏ gọn, chỉ bằng 1 cái khay, trạm BTS ngày xưa rất lớn, to bằng cả cánh cửa và rất nặng”, anh Hà kể.

Nhớ lại những lần đi lắp trạm ở cột Đèo Nai (mỏ than Đèo Nai, Cẩm Phả, Quảng Ninh), anh Hà và đồng nghiệp vẫn ấn tượng với chiều cao của cột gần 100 m. Trạm phát sóng được đối tác dựng gần 2 năm, nhưng do ảnh hưởng của gió biển nên bị gỉ một số chi tiết phải thay thế. “Hai kỹ sư leo lên cột cao cả trăm mét, trời mùa đông, thò mặt ra lạnh buốt nhưng mồ hôi ròng ròng chảy trong áo bông. Cột dây co, gió to nên cột rung lắc dữ dội, xuống rồi lại leo lên rất mệt nên anh em phải kéo đồ ăn từ dưới đất lên cột, ăn vội rồi lắp tiếp”, anh Hà nhớ lại.

Hay những lần đi ứng cứu khi trạm trục trặc, tối 29 tết đi, sáng 30 tết về, hàng quán 2 bên đường đóng cửa hết không còn gì để mua, anh em trên xe bật Xuân này con không về, tâm trạng vừa vui vừa buồn.

Chuyện chưa kể về mạng “thuần Việt” của Việt Nam - Ảnh 1.

Những kỹ sư như anh Hà, gắn bó, trưởng thành cùng sự lớn mạnh của VNPT-VinaPhone từ những thuở ban đầu, sau 25 năm vẫn cảm giác như mới ngày hôm qua. Từ vài chục trạm BTS ban đầu, VinaPhone còn âm thầm lắp đặt trạm BTS tại những nơi không ai dám tới như Lũng Cú- Hà Giang hay đất mũi Cà Mau, đảo Bạch Long Vĩ… Kết thúc giai đoạn 2003-2008, đã có hơn 10.000 trạm BTS, tạo tiền đề cho sự phát triển bùng nổ của VinaPhone.

Điện thoại cho “người giàu” đến với mọi nhà

Những năm 1996-1997, điện thoại di động thực sự là một vật dụng xa xỉ, ai đeo lủng lẳng một chiếc điện thoại nơi thắt lưng được xem là những người rất đẳng cấp. Nhiều người không có điện thoại nhưng để oai, thậm chí đeo điện thoại kéo dài to như cục gạch để “giả” di động. Hay có khách hàng lần đầu sử dụng điện thoại, gọi đến 1 thuê bao khác có tiếng tổng đài viên nói “thuê bao quý khách vừa gọi không liên lạc được…”, vẫn cảm ơn rối rít.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau khi VinaPhone ra đời, cuộc cách mạng về di động tại Việt Nam thực sự bắt đầu, đối tượng sử dụng di động được mở rộng. Điểm đột phá do VinaPhone tạo ra chính là khiến khách hàng đại chúng biết đến di động nhiều hơn. Những năm 1998-1999 thậm chí còn tăng trưởng nóng về thuê bao, nhiều thời điểm “cháy số”.

Tới tháng 11/2002, chỉ sau 6 năm ra đời, VinaPhone đã đạt mốc 1 triệu thuê bao.

Chuyện chưa kể về mạng “thuần Việt” của Việt Nam - Ảnh 2.

Và những câu chuyện “làm dâu… tỉ họ”

Từng công tác tại Bưu điện Hà Nội rồi sau đó là Trung tâm nhắn tin Việt Nam, khi máy nhắn tin kết thúc sứ mệnh lịch sử, cô Nguyễn Thị Hồng Ngân, nguyên Tổng đài viên Đài khai thác, Trung tâm VinaPhone 1 chuyển sang làm dịch vụ tổng đài tại VinaPhone. Hàng chục năm làm tổng đài viên, cô Ngân đã chứng kiến rất nhiều chuyện bi hài.

Cô Ngân kể, có khách hàng là người nổi tiếng gọi lên tổng đài nhiều đến mức các tổng đài viên nhìn thấy số điện thoại rất sợ phải nghe… nhưng phải vẫn mềm mỏng tiếp chuyện, xử lý ổn thỏa những thắc mắc của họ về nhà mạng.

Tưởng như công việc không nặng nhọc, nhưng sự hy sinh của những tổng đài viên là rất lớn. Khi con còn nhỏ, cô Ngân kể 3 ngày liền không gặp được con, vì lúc đi làm 5h30 sáng thì con chưa dậy, khi về nhà thì con đã ngủ. “Bây giờ các em, các cháu tổng đài làm việc còn vất vả hơn các cô ngày xưa rất nhiều, vì số lượng khách hàng lớn, nội dung thắc mắc nhiều đa dạng, không phải làm dâu trăm họ nữa mà là làm dâu tỉ họ”, cô Ngân chia sẻ.

Chuyện chưa kể về mạng “thuần Việt” của Việt Nam - Ảnh 3.

Những người như cô Ngân, anh Hà là một vài trong số hàng trăm nghìn cán bộ, nhân viên VinaPhone qua nhiều thế hệ, dù công việc của họ giản dị và thầm lặng, nhưng luôn mang trong mình sự tự hào và khát vọng, để tạo nên điều thần kỳ cho mạng di động thuần Việt của Việt Nam sau 25 năm…


Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *