‘Thổi’ giá đất thông qua đấu giá, gây thiệt hại cho người nhu cầu thực

Rate this post

“Bỏ chạy” sau khi trúng đấu giá

Năm 2021 được xem là năm bùng nổ của hàng loạt các phiên đấu giá đất ở các địa phương. Nhiều lô đất trúng đấu giá gấp đôi so với giá khởi điểm, thu về cho ngân sách số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, sau đó là hàng loạt trường hợp doanh nghiệp, cá nhân “bỏ của chạy lấy người”, khiến kết quả các cuộc đấu giá bị hủy bỏ.

Mới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã làm các thủ tục có liên quan để hủy kết quả đấu giá 4 lô đất bỏ cọc sau phiên đấu giá 25 lô đất khu tái định cư X4 (phường Mai Dịch).

Theo Trung tâm này, bà N.T.H. (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là khách hàng trúng đấu giá 3 lô đất A12, B19, B29. Theo đó, lô A12 rộng 43,7m2 giá khởi điểm 110,2 triệu đồng/m2 đã được trả lên 289,2 triệu đồng/m2. Ông P.Q.T. (quận Đống Đa, Hà Nội) là người trúng lô E12, rộng 81,9m2, có giá khởi điểm 113,3 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá lên đến 232,3 triệu đồng/m2.

Theo kết quả trúng đấu giá, ngoài số tiền cọc 3,2 tỷ đồng thì hai cá nhân của 4 lô đất nói trên phải nộp khoảng 42 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 90 ngày kết thúc thời gian nộp tiền sử dụng đất người trúng đấu giá không nộp tiền theo quy định và chấp nhận mất cọc.

Thổi giá đất thông qua đấu giá, gây thiệt hại cho người nhu cầu thực - Ảnh 1.

Phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4 trên từng gây xôn xao dư luận bởi có mức giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2 và hơn 700 hồ sơ tham gia. Kết quả đấu giá 25 lô đất đạt trên 50% giá khởi điểm, cá biệt lô B12 diện tích 44,5 m2, với vị trí lô góc ở mặt phố Dương Khuê có mức giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2 nhưng mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm.

Tương tự, tháng 2 vừa qua, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan về việc xin bỏ cọc lô đất 3-9 khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM). Trước đây, doanh nghiệp này đã vượt qua 140 lượt gọi giá với 13 doanh nghiệp khác để trúng đấu giá lô đất với số tiền 5.026 tỷ đồng – gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.

Cùng khu đất đấu giá khu đô thị mới Thủ Thiêm, đầu tháng 1 năm nay, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã rút lui khỏi lô đất 3-12, lô đất có giá trúng cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm, trung bình mỗi m2 lên tới 2,45 tỷ đồng, gây chấn động dư luận.

Đến giờ, ngoài 2 lô đất có giá trị lớn nhất tại buổi đấu giá đã xin bỏ cọc thì còn lại 2 lô đất với giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng thì Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega vẫn chưa nộp thêm phần tiền theo quy định, ngoài phần đã đặt cọc.

Lợi dụng giá trúng đấu giá “ảo” để “té nước theo mưa”

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết ngay sau các cuộc đấu giá đất đã xuất hiện các hành vi lợi dụng giá trúng đấu giá “ảo” để “té nước theo mưa”, “thổi” giá, đẩy giá đất, giá nhà tại nhiều địa phương hoặc để nâng giá trị trái phiếu, cổ phiếu.

“Cũng có trường hợp sau đấu giá, doanh nghiệp đã “đánh vống” giá trị tài sản bảo đảm của các khoản vay tín dụng mà nếu thực hiện “trót lọt” thì có thể “rút ruột” ngân hàng; hoặc để “làm sạch” bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp nhằm mục đích trục lợi”, ông Châu nói.

Cũng theo Chủ tịch HoREA, thực tế hiện nay, giá nhà đất tại nhiều khu vực đã bị đẩy lên mức giá rất cao. Đơn cử, một dự án nhà ở tại thành phố Thủ Đức đang chào bán nhà phố có diện tích đất khoảng 95 m2 gồm trệt và 4 lầu với giá bán lên đến khoảng 38,1 tỷ đồng, trong đó đơn giá đất có thể lên đến khoảng 350 triệu đồng/m2 .

“Như vậy, không chỉ có doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc để “trục lợi” mà nhiều doanh nghiệp khác cũng tìm cách “tối đa hóa lợi nhuận” sau các cuộc đấu giá trên đây”, ông Châu nhận định.

Bộ LĐTBXH đã có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2021 và xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong văn bản của Bộ LĐTBXH nêu rõ, việc thực hiện các chính sách pháp luật trong quản lý đất đai đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển xã hội, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được coi trọng, giảm tối đa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Bộ máy quản lý đất đai các cấp từng bước được hoàn thiện và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; nhận thức của đại bộ phận cán bộ, nhân viên đối với công tác quản lý và sử dụng đất được nâng lên.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Luật đất đai 2013 thì cũng còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Cụ thể, theo Bộ LĐTBXH về vấn đề quy hoạch “treo” gây bức xúc cho người dân, bồi thường tái định cư tại một số khu đô thị còn chậm so với tiến độ yêu cầu, tài chính về đất đai chưa linh hoạt, giá đền bù còn thấp so với giá thị trường.

Tình trạng “thổi” giá đất thông qua đấu giá là một trong những điểm nóng, gây bức xúc và thiệt hại cho một bộ phận người dân có nhu cầu sử dụng thực. tình trạng bỏ giá cao sau đó bỏ, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính còn xảy ra mạnh trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Trong khi đó công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai vẫn còn chậm.

Thổi giá đất thông qua đấu giá, gây thiệt hại cho người nhu cầu thực - Ảnh 2.

“Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do giá trị đất cao, lợi ích lớn nên các đối tượng cố tình vi phạm, lách luật để chiếm đoạt. Một số quy định còn mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, chưa bổ sung sửa đổi kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai”, Bộ LĐTBXH nhận định.

Thêm nữa, năng lực tổ chức quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu. Văn phòng Đăng ký đất đai tại các địa phương chậm kiện toàn, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu, lực lượng cán bộ, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong định hướng sửa đổi Luật đất đai 2013, Bộ LĐTBXH cho rằng cần điều chỉnh đúng, phù hợp với thực tiễn quản lý, sử dụng đất. Đảm bảo phải thống nhất với các luật khác như Luật quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Quản lý tài sản công.

Đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai. Cụ thể như đào tạo bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực và đất đai đủ mạnh để làm tốt nhiệm vụ xây dựng chính sách, quản lý đất đai. Xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm về đất đai. Sớm hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, quản lý đất đai công khai, minh bạch, hiệu quả.

https://cafef.vn/thoi-gia-dat-thong-qua-dau-gia-gay-thiet-hai-cho-nguoi-nhu-cau-thuc-20220314111919218.chn



Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *