Nhiều “ông lớn” bất động sản công nghiệp lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng

Rate this post

Tiềm năng lớn của phân khúc bất động sản công nghiệp 

Theo JLL (thành viên tập đoàn tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle), Việt Nam đánh giá là điểm dừng chân lý tưởng cho các nhà đầu tư, bởi Việt Nam đang có nhiều điểm thu hút buộc các nhà đầu tư phải “mạnh tay” chi tiền vào bất động sản công nghiệp.

Trong quý I/2022, JLL ghi nhận tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp phía Bắc duy trì ở mức 80%, tăng nhanh so với mức 75% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng xây sẵn cũng tiếp tục ở mức cao, đạt 98%.

Cùng với đó, giá thuê đất và nhà xưởng đạt 109 USD/m2/chu kỳ thuê vẫn giữ đà tăng nhanh với mức tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt mức 4,7 USD/m2/tháng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo dự báo của JLL, thị trường phía Bắc tiếp tục sôi động với nhiều dự án mới. Năm 2022, việc mở cửa đường bay và áp dụng hộ chiếu vắc-xin để phục hồi nền kinh tế cùng với các nỗ lực thu hút đầu tư từ các địa phương, thị trường công nghiệp phía Bắc được dự đoán sẽ tiếp tục là lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Còn tại miền Nam, giá thuê vẫn giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ và thiết lập đỉnh giá trung bình mới là 120 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 9% so với cùng kỳ năm trước) nhờ vào làn sóng đầu tư FDI mới đổ vào Việt Nam sau khi Việt Nam được tái mở cửa và nhu cầu mở rộng sản xuất của những doanh nghiệp hiện hữu. Trong đó, giá thuê nhà xưởng xây sẵn tương đối ổn định ở mức trung bình 4,8 USD/m2/tháng cho toàn khu vực.

Các dự án được dự báo sẽ gia nhập thị trường đã chính thức được đi vào hoạt động, giúp nguồn cung đất khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn cũng tăng trưởng đáng kể trong quý I/2022.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường, ông John Campbell, Trưởng bộ phận bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam khẳng định trong thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong những năm qua trong việc khuyến khích các công ty chuyển đến Việt Nam, đặc biệt là trong nhóm ngành có giá trị gia tăng cao. Việt Nam cũng đưa ra ưu đãi về thuế cho các công ty công nghệ hoặc R&D, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thông minh.

Nhiều ông lớn bất động sản công nghiệp lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng - Ảnh 1.

Ông John Campbell, Trưởng bộ phận bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam.

“Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Thị trường vẫn chưa hoàn thiện tuyệt đối, còn một chặng đường dài phía trước nhưng thật khả quan khi thấy rằng thị trường đã thu hút nhiều ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao và lĩnh vực hậu cần hơn so với trước đây”, ông John nói thêm.

Đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng

Được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, nhóm doanh nghiệp bất động sản công nghiệp cũng đặt mục tiêu lãi lớn.

Cụ thể, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (Mã: KBC) đặt mục tiêu đạt 9.800 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 4.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 127% và 474% so với kết quả năm 2021.

Đại diện KBC cho biết, kế hoạch trên dựa trên một phần từ những chuẩn bị của công ty những tháng cuối năm 2021 và cũng bày tỏ sự tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2022 một cách nhẹ nhàng.

Tại ĐHĐCĐ của KBC, ban lãnh đạo chia sẻ, hiện đang tích cực xin cấp phép đầu tư tại 3 KCN (gần 1.300ha) tại Hải Dương sau khi được bổ sung vào quy hoạch cuối 2021, trong đó KBC đã nộp hồ sơ cấp phép đầu tư tại KCN Bình Giang 1 (150ha).

KCN Tràng Duệ 3 đã nộp hồ sơ chờ chấp thuận của Bộ kế hoạch và Đầu tư. Công ty đã hoàn tất đền bù giải tỏa hơn 100ha và dự kiến có thể bắt đầu bàn giao từ quý 2/22. Trước đó, KBC chia sẻ tại KCN Tràng Duệ 3, công ty đã ký MOU cho thuê 35 ha với giá 135 USD/m2 và dự kiến ký MOU với LG Display Việt Nam thuê 80 ha với giá 130 USD/m2.

KBC hiện đang tìm kiếm và lựa chọn nhà thầu thi công tại dự án KĐT Tràng Cát và kỳ vọng bắt đầu san nền 50-80 ha đầu tiên vào đầu quý 2/22.

Tương tự, tại ĐHĐCĐ mới đây, Tổng công ty Viglacera – CTCP (Mã: VGC) đã thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.700 tỷ đồng, tăng lần lượt lên 34% và 10% so với mức thực hiện năm 2021. Đây cũng là mức kế hoạch cao nhất so với kết quả các năm trước đây.

Nói về kế hoạch trên, đại điện của công ty cho biết, năm 2022 lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty vẫn sẽ tiếp tục khó khăn. Kết quả hoạt động kinh doanh của Tổng công ty quý 1 tốt do thị trường tốt. Tuy nhiên, đầu quý 2 đã có dấu hiệu giảm sút. Với việc dự phòng các rủi ro/biến động của thị trường/chính sách thay đổi, Tổng công ty đặt kế hoạch thận trọng, tuy nhiên kế hoạch năm 2022 đặt ra cũng tăng trưởng mạnh so với kế hoạch năm 2021 và tổng công ty sẽ phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ.

Doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các KCN đang triển khai: Hải Yên, Đông Mai – Quảng Ninh; Phú Hà giai đoạn 1 – Phú Thọ; Tiền Hải – Thái Bình; Đồng Văn IV giai đoạn 1,2 – Hà Nam; Yên Phong IIC và Yên Phong mở rộng – Bắc Ninh; Phong Điền – Huế; Yên Mỹ – Hưng Yên.

Tiếp tục triển khai các bước công việc chuẩn bị đầu tư các KCN mới: Đông Mai mở rộng – Quảng Ninh (145 ha); Tiền Hải mở rộng – Thái Bình (329 ha); mở rộng KCN Phú hà – Phú Thọ (100 ha) Đồng Văn 4 mở rộng – Hà Nam (300 ha); Khu A KCN Phong Điền – Thừa Thiên Huế (120 ha).

VGC khởi công mới, thực hiện đầu tư KCN Thuận Thành 1 (262 ha) tại Bắc Ninh. Bên cạnh đó khảo sát nghiên cứu một số địa điểm để phát triển các KCN mới tại các địa phương có vị trí, có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh như KCN Phù Ninh – Phú Thọ (450 ha); KCN Đông Triều – Quảng Ninh (425 ha); KCN tại Quảng Yêu – Quảng Ninh (400 ha)…

Doanh nghiệp phấn đấu năm 2022-2023 chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư mới khoảng 2.000 ha khu công nghiệp. Về kế hoạch này, đại diện doanh nghiệp cho hay, việc phát triển một dự án bất động sản thường mất thời gian từ 3-5 năm, các tỉnh/thành phố đang lập quy hoạch sử dụng đất, Tổng công ty cũng đang thực hiện đăng ký tài trợ quy hoạch và tiến hành các thủ tục tham gia đấu thầu chủ đầu tư.

Một doanh nghiệp khác là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC – Mã: BCM) cũng đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng trong năm 2022 với tổng doanh thu đạt 9.680 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.888 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% và 98% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Tương tự, CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC – Mã: IJC) đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2022 đạt 2.829 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 685 tỷ đồng, tăng lần lượt là 8% và 10% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng của các “ông lớn” bất động sản công nghiệp, trên thị trường ghi nhận nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này. 

CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cùng Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) đã ký hợp tác cùng CTCP Shinec nghiên cứu cơ hội đầu dự án Khu công nghiệp Ninh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Công ty CP Đầu tư và phát triển khu công nghiệp Phát Đạt (PDI), công ty con của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) tiếp cận, nghiên cứu đề xuất đầu tư 3 dự án: Khu công nghiệp Cao Lãnh, khu công nghiệp Cao Lãnh II và khu công nghiệp Cao Lãnh III với tổng quy mô 2.000 ha, dự kiến khởi công giai đoạn 1 trong năm 2024. Tổng mức đầu tư 14.726 tỷ đồng với các phân kỳ: giai đoạn 1 từ 2021 – 2025 phát triển quy mô 1.000 ha và giai đoạn 2 từ 2026 – 2030 với quy mô từ 1.000 ha.

Hay CTCP Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes (Vinhomes IZ), công ty con của CTCP Vinhomes (Mã: VHM) mới đây đã đề nghị làm chủ đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes hơn 1.200 ha (tại khu vực CN4, CN5 KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) và hai cụm công nghiệp số 1 (75 ha), cụm công nghiệp số 2 (68 ha) tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

https://cafef.vn/nhieu-ong-lon-bat-dong-san-cong-nghiep-len-ke-hoach-kinh-doanh-day-tham-vong-20220427170017891.chn



Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *