Loạt sự kiện “nóng bỏng” nổ ra, nhà đầu tư bất động sản “e dè” xuống tiền

Rate this post

Nhà đầu tư “e dè” xuống tiền

Trong bối cảnh hiện nay, khi áp lực lạm phát đang đè nặng, nhiều người vẫn đang tìm kiếm kênh đầu tư trú ẩn cho dòng tiền của mình. Do đó, thời gian qua, dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo đó, từ năm ngoái tới nay, nhiều khu vực đã xảy ra “sốt đất” điên cuồng, thậm chí mỗi ngày một giá khác nhau. Cùng đó, các thông tin quy hoạch hạ tầng, cộng thêm quan điểm “đầu tư đất chỉ có lãi” khiến bất động sản càng trở nên “sốt”.

Trước cơn sốt đất, nhiều tỉnh thành ra văn bản mạnh tay kiểm tra, thanh tra, chặn đứng cơn sốt đất. “Phân lô, bán nền” được coi là nguyên nhân góp phần tạo nên sốt đất cũng dần bị siết lại. Mới đây nhất, Hà Nội đã ra văn bản về việc tạm dừng phân lô tách thửa với đất nông nghiệp. Một số tỉnh thành khác, việc phân lô tách thửa cũng được siết chặt.

Liên quan đến mức thuế chuyển nhượng đất đai, cơ quan chức năng cũng ra văn bản yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, chống khai gian thuế.

Loạt sự kiện “nóng bỏng” nổ ra, nhà đầu tư bất động sản “e dè” xuống tiền - Ảnh 1.

Đáng chú ý nhất là một số ngân hàng có động thái tạm dừng cho vay tín dụng bất động sản. Trong danh mục cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước “khóa cứng” tỷ lệ 8%, tức tỷ lệ cho vay bất động sản không được vượt quá 8% tổng tín dụng chung của ngân hàng. Nếu vượt hoặc tăng trưởng nóng quá sẽ bị tuýt còi.

Chưa hết, mới đây, hai lãnh đạo doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản bị bắt, dù tội danh khởi tố không liên quan tới bất động sản nhưng vẫn phần nào ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư “xuống tiền” trong thời điểm này.

Anh Trần Tú – nhà đầu tư tại Hà Nội cho hay, từ đầu năm anh đã chốt hết danh mục đầu tư bất động sản của mình và chuẩn bị xuống tiền gom mẻ bất động sản mới.

“Hiện nay giá đất có thể nói là đã rất cao, với áp lực lạm phát đè lên nền kinh tế có thể giá đất sẽ tiếp tục tăng”, anh Tú nói.

Tuy nhiên, loạt thông tin về các sự kiện “nóng” gần đây khiến anh Tú e dè trú ẩn vào bất động sản trong thời điểm này. Theo anh phân tích, hiện nay, giá bất động sản nhiều khu vực đã tăng 2 – 3 lần trong khoảng 2 năm qua. Có thể nói đây là đỉnh giá của bất động sản từ trước tới nay, nếu mua bây giờ, khi lạm phát tăng cao giá đất vẫn có thể tiếp tục tăng.

“Nhưng cũng cần tính toán về việc nếu các ngân hàng tăng lãi suất vay mua bất động sản. Từ đó, có thể xảy ra hiện tượng bán tháo, giảm giá để giảm áp lực đòn bẩy tài chính chính. Bởi đa phần giới đầu tư địa ốc phần lớn là tiền vay ngân hàng hoặc huy động nơi khác”, anh Tú băn khoăn nói.

Thêm đó, nhiều sự kiện nóng gần đây như lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản bị khởi tố; nhiều tỉnh thành siết phân lô, tách thửa; một số ngân hàng tạm dừng cho vay tín dụng bất động sản;…

Tương tự anh Ngô Thành – nhà đầu tư F0 tại Hà Nội cho biết, hiện với số vốn khoảng 1 tỷ đồng trong tay, anh dự tính sẽ mua một mảnh đất tại vùng ven Hà Nội.

Tuy nhiên, sau thời gian khảo sát giá tại một số khu vực, số tiền này của anh vẫn không đủ mua mà cần ít nhất khoảng 1,5 tỷ đồng. Do đó, nếu xuống tiền anh Thành phải dùng tới đòn bẩy tài chính. Loạt thông tin nóng gần đây cũng là điều khiến anh Thành băn khoăn.

Sự kiện “nóng” đang làm thị trường trở nên tích cực hơn

Theo ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch thường trực CLB bất động sản Hà Nội, trong thời gian qua có nhiều sự kiện lớn, đặc biệt về việc khởi tố lãnh đạo 2 doanh nghiệp bất động sản lớn, nhưng chúng ta phải chú ý đến việc đây là bắt giữ cá nhân, còn doanh nghiệp vẫn sẽ hoạt động, không tác động toàn phần nhưng cũng sẽ có phần ảnh hưởng.

“Bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt, tất cả các thông tin liên quan đến thị trường sẽ không phản ứng ngay lập tức mà cần có thời gian. Do đó, dù kể cả có thông tin tác động cũng sẽ không làm thị trường xấu đi trong 1 – 2 tháng tới mà lâu hơn. Theo tôi, nhà nước cũng đã có sự chuẩn bị hết cho vấn đề này”, ông Điệp nói.

Ông Điệp cho biết, bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, nên khi loại hình này có vấn đề sẽ rất ảnh hưởng. Do đó, việc siết bất động sản nhà nước cũng sẽ có lộ trình, không phải việc nói siết là siết.

Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, vụ việc về lãnh đạo doanh nghiệp khởi tố, ai làm sai thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm, còn những cá nhân, doanh nghiệp làm đúng thì không có vấn đề gì phải lo lắng cả. Do đó, vấn đề này sẽ không tác động quá lớn tới thị trường.

Loạt sự kiện “nóng bỏng” nổ ra, nhà đầu tư bất động sản “e dè” xuống tiền - Ảnh 2.

Nói về việc ngân hàng “siết” tín dụng bất động sản, ông Đính cho biết, đây không phải thời gian ngân hàng bắt đầu triển khai việc này mà đã xảy ra trong mấy năm nay.

“Cho vay bất động sản chỉ dành cho đối tượng mua nhà sử dụng không phải cho vay đầu tư. Nên việc siết tín dụng này, có thể chỉ là thẩm tra mục đích sử dụng tiền có đúng nhu cầu hay không chứ không phải dừng toàn bộ, ngân hàng cũng sẽ hạn chế việc cho vay tiền đối với các loại hình rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Theo tôi, tất cả yếu tố vĩ mô trong thời gian qua đang giúp thị trường bất động sản trở nên tích cực hơn, đi đúng với bản chất và mục đích của thị trường”, ông Đính nói.

Theo ông Đính nhận định, với việc nguồn cung bất động sản vẫn thiếu hụt trầm trọng như hiện nay thì giá bất động sản sẽ vẫn tăng cao.

https://cafef.vn/loat-su-kien-nong-bong-no-ra-nha-dau-tu-bat-dong-san-e-de-xuong-tien-20220407141722379.chn



Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *