[ad_1]
Tuy sinh ra ở Mỹ và lớn lên trong một gia đình nói tiếng Anh hoàn toàn, nhưng có một số từ tiếng Hàn tôi không bao giờ quên được. Một trong những từ đầu tiên tôi được dạy khi còn nhỏ đó là nunchi với ý nghĩa là phương pháp cảm nhận bằng mắt. Nghệ thuật nunchi 5.000 năm tuổi này liên quan đến việc nhận biết những gì người khác đang nghĩ và cảm nhận.
Ở “xứ xở kim chi”, nunchi là nghệ thuật đo lường cảm xúc, suy nghĩ của người khác một cách tinh tế và cư xử đúng mực nhằm tạo dựng niềm tin và sự kết nối với đối phương. Trong đó, tốc độ là yếu tố tối thượng đối với nunchi. Những người có nunchi nhanh sẽ liên tục điều chỉnh các giả thiết của mình từ một vài từ ngữ, nét mặt, cử chỉ của đối phương. Họ luôn tập trung vào hiện tại và ý thức được những điều đang xảy ra.
Ở Hàn Quốc, nunchi được ví là một loại siêu năng lực. Thậm chí, một số người coi đây là bí quyết đọc vị cảm xúc của đối phương. Nó giúp bạn có sự nhạy bén, đồng cảm, thấu hiểu để chọn đúng đối tác kinh doanh, tỏa sáng trong công việc và giảm bớt lo lắng trong xã hội.
Thoạt đầu, nunchi rất dễ bị nhầm lẫn với sự đồng cảm, nhưng việc đồng cảm quá mức có thể khiến bạn gặp bất lợi. Đối với nunchi, nguyên tắc của nó là đặt sự quan sát tĩnh lặng lên hàng đầu. Nunchi giúp bạn giữ vững lập trường ngay cả khi đang lắng nghe người khác. Vì thế, để phát huy toàn bộ khả năng nunchi, bạn cần kết hợp sự tập trung của cả thị giác và thính giác cùng một tâm trí yên tĩnh.
Nuôi dạy con bằng nunchi từ trong tâm trí
Trong cách nuôi dạy trẻ truyền thống của người Hàn Quốc, nunchi giống như việc “nhìn hai bên khi sang đường”, tức là phải quan sát, suy nghĩ thật cẩn thận trước mỗi quyết định của bản thân. Cha mẹ Hàn Quốc thường dạy con về nunchi khi trẻ lên 3 bởi họ tin rằng “một thói quen được hình thành từ 3 tuổi sẽ kéo dài đến 80 tuổi”.
Trẻ em Hàn Quốc được dạy nunchi từ khi 3 tuổi.
Các bậc phụ huynh Hàn Quốc thấm nhuần tư tưởng nunchi bằng cách dạy con bài học quan trọng đầu tiên của cuộc đời: “Không phải mọi thứ đều xoay quanh con”.
Tôi chưa làm mẹ nhưng có thể chứng thực được giá trị của việc nuôi dưỡng trẻ dựa trên nunchi. Phương pháp này giúp trẻ biết được rằng không phải mọi việc đều theo ý chúng và không ai có nghĩa vụ phải làm hài lòng ai.
Ví dụ, một đứa trẻ mất kiên nhẫn khi phải xếp hàng mua đồ ăn, liên tục giận dỗi và kêu gào mỏi chân. Lúc này, bố mẹ chỉ cần chỉ con quan sát những người xung quanh đều đang phải xếp hàng để con biết rằng con không phải là người mệt mỏi duy nhất.
Hay một ví dụ khác: Hầu hết các trường học tại Hàn Quốc đều không thuê người dọn dẹp. Học sinh sẽ chia thành các nhóm và thay phiên nhau quét dọn, lau nhà, vứt rác, thậm chí dọn dẹp nhà vệ sinh. Bài học đưa ra là nếu mọi người cùng có ý thức giữ gìn không gian chung gọn gàng, sạch sẽ thì thời gian dọn dẹp càng ít đi. Từ đó, mỗi học sinh phải tự có ý thức để không làm ảnh hưởng đến tập thể.
Trẻ em cần nunchi
Một số trẻ em có khả năng nunchi bẩm sinh nhưng số khác có được là nhờ quá trình rèn luyện. Tôi chính là trường hợp thứ hai.
Năm 12 tuổi, gia đình tôi chuyển từ Mỹ về Hàn Quốc sinh sống. Mặc dù mới chỉ biết nói tiếng Anh nhưng tôi vẫn đăng ký học tại một trường công lập ở Hàn. Đây chính là nơi tốt nhất để tôi học tập và phát triển kỹ năng nunchi bởi tôi phải học tiếng, học văn hóa, tự điều chỉnh lối sống để có thể hòa nhập với bạn bè.
Vào thời của tôi, học sinh không được phép đặt câu hỏi trong lớp. Giáo viên cố tình đưa ra thông tin mơ hồ về mọi thứ, từ nơi diễn ra các kỳ thi đến những vật dụng học tập cần mang theo. Với việc vận dụng tối đa nunchi – cố gắng quan sát cách giáo viên nói và những điều bạn cùng lớp làm – tôi đã biết được những nhiệm vụ mình cần thực hiện.
Đó chính là quy tắc cơ bản của nunchi: Nếu bạn quan sát mọi điều một cách kiên nhẫn, thì những thắc mắc của bạn như mình phải làm gì, mình phải thực hiện ra sao, trả lời như thế nào – sẽ được giải đáp mà không cần phải nói một lời nào hết.
Kỹ năng nunchi của tôi đã phát triển mạnh mẽ trong khoảng thời gian này. Chỉ hơn một năm sau khi đến Hàn Quốc, tôi đứng đầu lớp và đạt giải thưởng môn Toán, Vật Lý. Tôi thậm chí được bầu làm lớp phó dù tiếng Hàn vẫn chưa thành thạo.
Đối với những người vẫn còn hoài nghi về tác dụng của nunchi thì tôi chính là minh chứng sống. Tôi không phải là người thông minh nhất, giàu có nhất nhưng lại tìm thấy thành công và hạnh phúc nhờ việc cải thiện khả năng nunchi nhanh chóng của mình.
Euny Hong là nhà báo và là tác giả của cuốn sách “Sức mạnh của nunchi: Bí quyết hạnh phúc và thành công của người Hàn Quốc”. Tác phẩm của cô đã xuất hiện trên nhiều tờ báo nổi tiếng như The New York Times, The Financial Times, The Washington Post, The Wall Street Journal hay The Boston Globe. Euny tốt nghiệp Đại học Yale với bằng Cử nhân Triết học và là cựu Học giả Fulbright.
Source link